Skip to main content

Giỏ hàng (0 sản phẩm)

Không có sản phẩm trong giỏ hàng của bạn.

LÊN ĐẦU TRANG

Doanh Nghiệp Cần Linh Hoạt Chính Sách Nhân Sự

Kết quả báo cáo khảo sát lương Talentnet-Mercer 2020 cho thấy doanh nghiệp cần có những thay đổi về chính sách nhân sự phù hợp với tình hình Covid-19.

Theo ỷ lệ tăng lương của doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua
Theo khảo sát của Talentnet-Mercer, tỷ lệ tăng lương của doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua. Ảnh: Shutterstock.

Covid-19 tạo ra những thách thức chưa từng có, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít quốc gia được ghi nhận có sự tăng trưởng trong khủng hoảng. Cụ thể, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 rơi vào khoảng 3%. Các chuyên gia kỳ vọng trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ đạt mốc tăng trưởng GDP từ 7-10%.

Chỉ số tăng trưởng dương trong Covid-19 thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam có thể sẽ là một trong những "ứng viên" của xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI toàn cầu, trong đó sản xuất, bất động sản và bán lẻ là những nhóm ngành thu hút vốn đầu tư nhiều nhất. Dù vậy, về phía doanh nghiệp và thị trường lao động, nhiều đơn vị vẫn khá thận trọng cho các ngân sách đầu tư nhân lực.

Thách thức của thị trường nhân lực

Mới đây, Talentnet-Mercer đã thực hiện một khảo sát chuyên sâu về chính sách nhân lực của doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, nhiều doanh nghiệp thừa nhận đang phải đối mặt với rào cản tăng lương.

Theo đó, 34% doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện tăng lương cho nhân viên trong năm 2020, 3% dự kiến tiếp tục chu kỳ "đóng băng" lương trong năm 2021. Báo cáo của Talentnet cũng cho biết tỷ lệ tăng lương của doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua. Cũng theo khảo sát, 55% công ty không có kế hoạch tuyển dụng nhân sự năm 2021, 5% dự định cắt giảm nhân viên để duy trì doanh nghiệp trong khủng hoảng. Kết quả này dự báo nhu cầu việc làm và thị trường tuyển dụng tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ không quá sôi động.

Mặt khác, việc duy trì sức khỏe, tinh thần và mức độ cam kết của nhân viên hậu Covid-19 cũng là một thách thức với nhiều công ty. Thực tế, khảo sát của Talentnet-Mercer tại các doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy nhiều nhân viên đã có dấu hiệu xuống tinh thần và áp lực trước viễn cảnh của thị trường lao động.

Đồng thời, việc minh bạch tình hình kinh doanh và khả năng tăng lương cũng được doanh nghiệp và người lao động quan tâm trong khảo sát. Giới chuyên gia khuyến khích các công ty trao đổi với nhân viên về tình hình, kế hoạch tương lai, để nhân viên hiểu và chuẩn bị tâm lý trước thách thức. Theo đó, thông tin nhất quán và chính xác sẽ là chìa khóa giúp củng cố niềm tin của lực lượng lao động về thị trường.

Lãnh đạo doanh nghiệp nên trao đổi với nhân viên về tình hình kinh doanh, kế hoạch tương lai của công ty.
Lãnh đạo doanh nghiệp nên trao đổi với nhân viên về tình hình kinh doanh, kế hoạch tương lai của công ty. Ảnh: Shutterstock.

Thực tế, thay vì tuyển thêm, đa phần các công ty trong khu vực lựa chọn hình thức tạm ngưng tuyển mới, khuyến khích nhân viên nghỉ phép tự nguyện hoặc chuyển đổi hình thức làm việc sang online, bán thời gian. Tuy vậy, thị trường lao động ở Việt Nam vẫn là một điểm sáng so với tình hình nhiều quốc gia trong khu vực.

Linh hoạt chính sách giữ chân nhân sự

Theo đại diện Talentnet-Mercer, Covid-19 nhìn từ góc độ lạc quan vẫn là cơ hội giúp doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo trong chính sách, tối ưu ngân sách lương thưởng. Việc linh hoạt trong chính sách còn giúp giữ chân nhân sự khỏi sự lôi kéo của các đối thủ và thị trường lao động.

Việc linh hoạt chính sách lương thưởng sẽ giúp giữ chân nhân sự. Ảnh: Shutterstock.
Việc linh hoạt chính sách lương thưởng sẽ giúp giữ chân nhân sự. Ảnh: Shutterstock.

"Khi lương thưởng không được đảm bảo, doanh nghiệp nên ưu tiên phúc lợi về cảm xúc và thể chất, dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, hình thức khen thưởng phi hiện kim", đại diện Talentnet-Mercer nhận định.

Để thực hiện, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó tổng giám đốc Talentnet cho rằng doanh nghiệp cần hoạch định lộ trình kinh doanh, lên kế hoạch quản trị tài chính. Theo đó, doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược lương thưởng cho năm 2021 ngay từ bây giờ để tránh thâm hụt ngân sách khi gặp thách thức, khó khăn. Đây cũng là lúc doanh nghiệp thể hiện tư duy linh hoạt, bứt phá, mạnh dạn gỡ bỏ những phúc lợi không phù hợp, chiếm nhiều ngân sách nhưng chưa đem lại hiệu quả. Cùng với đó, doanh nghiệp nên cập nhật xu hướng, dữ liệu lương thưởng chính xác, điều chỉnh ngân sách, chiến lược nguồn lực phù hợp đồng thời nâng cao độ cạnh tranh.

"Việc nắm bắt mức độ chi trả của thị trường, đối thủ là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp không rơi vào cảnh 'thắt lưng buộc bụng' không cần thiết dẫn đến mất nhân tài", bà Hương nói.

Thanh Di

Nguồn: VnExpress