Đâu Là Giải Pháp Để Doanh Nghiệp Chấm Dứt Mâu Thuẫn Nơi Làm Việc?
Mâu thuẫn nơi công sở là điều không thể tránh khỏi trong quá trình làm việc. Đối diện với những “ngòi nổ” này, lãnh đạo cần có giải pháp gỡ bom kịp thời trước khi quá muộn.
Mâu thuẫn công sở: nhân viên khó ở, doanh nghiệp đau đầu
Theo khảo sát được thực hiện vào năm 2019 của Chartered Institute of Personnel and Development - Hiệp hội chuyên gia quản lý nguồn nhân lực, cho thấy cứ 10 nhân viên ở Anh thì có 4 người đã trải qua xung đột cá nhân tại nơi làm việc. Mâu thuẫn đã trở thành một thực trạng phổ biến của giới văn phòng.
Bên cạnh đó, theo một khảo sát tại New Zealand vào năm 2014, có đến 83% nhân viên từng trải qua xung đột tại nơi làm việc có cảm xúc tu cực. Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, một nửa số nhân viên thực hiện khảo sát cũng cho biết tình trạng này khiến họ kém tập trung, bỏ lỡ nhiều deadlines và đánh mất động lực làm việc.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Giám đốc công ty tư vấn nhân sự Talentnet, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn nơi làm việc rất đa dạng: “Xung đột công sở có thể đến từ sự khác biệt trong tính cách, tư duy giải quyết vấn đề, khả năng giao tiếp kém hoặc trí tuệ cảm xúc kém. Nhưng nhìn chung, xung đột nổ ra từ những vấn đề xoay quanh cảm xúc và tình cảm. Bên trong mỗi con người chúng ta luôn tồn tại những nhu cầu tâm lý cần được giải tỏa. Do đó, muốn giải quyết xung đột tại nơi làm việc một cách hiệu quả, chúng ta cần tìm cách giải tỏa cảm xúc bản thân khéo léo để tránh gây ra những mâu thuẫn hay hiểu lầm khác."
“Tháo kíp” mâu thuẫn bằng giao tiếp “phi bạo lực”
Mâu thuẫn nơi công sở mặc dù là vấn đề cá nhân, nhưng để tránh ảnh hưởng đến hiệu suất chung, lãnh đạo và phòng nhân sự cần có biện pháp tinh tế, kịp thời. Theo bà Hương, một phương pháp có thể cân nhắc áp dụng chính là Giao tiếp “phi bạo lực”. Phương pháp này tạo sự đồng cảm bằng cách thay ngôn ngữ mang tính ép buộc, đe doạ bằng thái độ chân thực, cầu thị.
Có 4 trụ cột làm nên nền tảng giao tiếp “phi bạo lực” gồm:
Đặt mình vào vai người quan sát: Quan sát đầy đủ các sự kiện khi mâu thuẫn nổ ra giúp phòng nhân sự hoặc nhà lãnh đạo có góc nhìn trung lập, khách quan để công tâm giải quyết khúc mắc giữa các bên.
Chia sẻ cảm xúc chân thật: Trong mọi cuộc tranh luận, chúng ta dễ có xu hướng kết tội người khác. Bà Hương gợi ý, mỗi người nên giãi bày cảm xúc của bản thân trong tình huống đó, thay vì “bóc phốt” người đối diện.
Thẳng thắn chia sẻ nhu cầu: Các cuộc xung đột thường bắt đầu bởi những nhu cầu không được đáp ứng. Thẳng thắn nói rõ nhu cầu là cách nhanh nhất để đôi bên hiểu nhau và chuyển cuộc tranh luận thành thương lượng.
Thống nhất yêu cầu: Cuối cùng, đôi bên cần thống nhất các hành động cụ thể cần thực hiện để chấm dứt mâu thuẫn.
Theo bà Hương, lãnh đạo doanh nghiệp có thể áp dụng 4 trụ cột này vào những hoạt động gắn kết nội bộ, tạo điều kiện để nhân viên có đất bày tỏ nhu cầu, giải toả cảm xúc căng thẳng. Tổ chức gặp gỡ định kỳ mỗi tuần/tháng/quý cấp phòng ban, mở hộp thư bí mật, lập bảng xin lỗi/cảm ơn… là một số gợi ý đơn giản dễ làm mà phòng nhân sự có thể tham khảo.
“Nếu đủ quyết tâm áp dụng hình thức giao tiếp “phi bạo lực”, mô hình này hoàn toàn có thể trở thành giải pháp lâu dài để doanh nghiệp từng bước xóa đi mâu thuẫn tại nơi làm việc, thay vào đó là tinh thần gắn kết, thấu cảm và tin tưởng lẫn nhau của đội ngũ nhân sự” - Bà Hương kết luận.
Nguồn: The Leader