Skip to main content

Giỏ hàng (0 sản phẩm)

Không có sản phẩm trong giỏ hàng của bạn.

LÊN ĐẦU TRANG

Giới Trẻ Nghiện Việc: Hãy Nghỉ Ngơi Khi Còn Có Thể!

Nhiều bạn trẻ nghiên cảm giác bận rộn. Đây là lựa chọn riêng của mỗi người, nhưng các chuyên gia khuyến nghị hãy biết nghỉ ngơi trước khi quá muộn.

Giới Trẻ Nghiện Việc: Hãy Nghỉ Ngơi Khi Còn Có Thể!

Những người làm việc "toàn" thời gian 

‘Workaholic’ là khái niệm đã quá quen thuộc nhằm chỉ những người nghiện làm việc. Nhiều bạn trẻ hiện nay thích được xem là những ‘workaholic’ bởi cảm giác bận rộn với công việc khiến người trẻ thấy mình có ích và đang tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội. Nhiều trường hợp lại mắc chứng FOMO trong công việc. Họ sợ một phút lơ là khỏi công việc có thể khiến mình bỏ sót những thay đổi quan trọng, trễ tiến độ hay bị xem là không toàn tâm cho công việc.  

Thu Hồng (chuyên viên PR) chia sẻ về hội chứng FOMO công việc của mình: “Dù nghỉ phép, mình vẫn luôn đọc tin nhắn công việc và xử lý ngay. Mọi người xung quanh thường ái ngại cho mình vì phải liên tục làm việc ngay cả khi nghỉ phép. Tuy nhiên, mình lại thấy thoải mái và an tâm hơn khi kết hợp công việc vào cuộc sống.” 

Hãy nghỉ ngơi trước khi quá muộn 

Nguyễn Thị An Hà – Giám đốc Marketing và Hợp tác chiến lược của công ty tư vấn nhân sự Talentnet nhìn nhận: “Workaholic là cách mà người lao động thích ứng với một thế giới phẳng thay đổi liên tục và không bị giới hạn bởi thời gian hay địa lý. Sẵn sàng làm việc liên tục khiến họ chủ động kiểm soát cuộc sống hằng ngày, từ đó thăng tiến trong công việc. Tuy nhiên, như một đồng xu có 2 mặt, nghiện làm việc cũng có mặt tiêu cực khi ảnh hưởng đến sức khỏe, tư duy, chuyên môn của nhân viên.” 

Trên thực tế, làm việc liên tục không hề tốt. Nghiên cứu của BetterUp chứng minh, làm việc 45 tiếng mỗi tuần không có lợi cho phần lớn nhân viên. Về thể chất, Tổ chức Sức khỏe thế giới (WHO) cảnh báo làm việc quá 55 tiếng mỗi tuần sẽ làm tăng 35% nguy cơ đột quỵ và 17% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Về tinh thần, làm việc nhiều còn đối mặt với tình trạng kiệt sức, trầm cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất công việc và những mối quan hệ xung quanh. Theo trang Mindhealth.org ước tính cứ 4 người thì có 1 người sẽ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần vào thời điểm nào đó trong đời. Một cuộc sống luôn căng thẳng vì công việc có thể khiến hiện tượng này tìm đến bạn sớm hơn. 

Việc nghỉ ngơi giúp cơ thể tạm ngắt khỏi sự căng thẳng. Nhờ đó, tinh thần, thể chất và sức khỏe não bộ được cải thiện, dẫn đến những thay đổi tích cực nơi công sở như gia tăng khả năng sáng tạo, cải thiện trí nhớ, tư duy nhạy bén, tăng tỷ lệ đưa ra các quyết định sáng suốt,… Việc nghỉ ngơi cũng giúp nhân viên có thời gian nhìn lại các công việc đang làm một cách hệ thống và toàn diện. 

Giới Trẻ Nghiện Việc: Hãy Nghỉ Ngơi Khi Còn Có Thể!

“Bắt” nhân viên nghỉ ngơi 

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đang đặt sức khỏe của nhân viên là ưu tiên hàng đầu và tiêu chí quan trọng để đánh giá thành công của doanh nghiệp. Thay vì đánh giá trên thời gian làm việc, nhiều lãnh đạo đang đánh giá nhân viên trên chất lượng đầu ra của công việc, và thậm chí đánh giá cao những nhân viên có khả năng sắp xếp thời gian để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 

Để nhân viên thật sự nghỉ ngơi, tránh tình trạng nghỉ phép nhưng tâm trí vẫn ở công ty, doanh nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bà An Hà gợi ý: “Không chỉ cung cấp ngày nghỉ nhiều, đa dạng, doanh nghiệp cũng nên chủ động tạo cơ hội để người lao động được nghỉ ngơi. Nhiều doanh nghiệp cấp tiến tại Việt Nam đã triển khai các chương trình như ‘tuần lễ nghỉ ngơi’, ‘ngày sức khỏe’,… Những sáng kiến này không chỉ giúp người lao động vượt qua nỗi sợ FOMO công việc mà còn giúp doanh nghiệp cải thiện hình ảnh với người lao động.” 

Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư