#HRTrending - Gợi Ý 3 Phúc Lợi Để Nhân Viên Vui Vẻ Làm Việc Mùa Covid
Ngoài kế hoạch sản xuất, chiến lược kinh doanh hay marketing, doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh rốt ráo các chiến lược nhân sự dưới tác động của Covid-19. Trong đó, các nhà quản trị nhân sự có thể cân nhắc “top 3” loại hình phúc lợi dưới đây để “được lòng” người lao động.
“Tài trợ” góc làm việc tại gia giúp tăng“điểm cộng” cho doanh nghiệp trong mắt nhân viên
Phúc lợi sức khoẻ “mix” quà tặng tinh thần
Covid-19 đặt ra thách thức mới cho các nhà quản lý nhân sự về việc “trấn an” người lao động khi nỗi lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình trở thành mối bận tâm hàng đầu. Lúc này, thiết thực nhất chính là hỗ trợ tiêm ngừa vaccine để nhân viên an tâm công tác. Theo khảo sát Chính sách nhân sự giai đoạn Covid-19 lần thứ 3 của Talentnet, có đến 56% doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ tiêm vaccine cho nhân viên và người thân của họ. Ngoài ra, một số nhà lãnh đạo “có tâm” đã không ngại mua các gói dịch vụ tư vấn và theo dõi sức khoẻ mùa dịch cho nhân viên.
Tuy nhiên, theo bộ Y Tế, Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất mà còn có hại cho sức khoẻ tinh thần. Các nỗi sợ bị nhiễm bệnh, nỗi chán chường do mất kết nối với người xung quanh hay nỗi lo cơm áo gạo tiền… có thể dẫn đến các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn sau sang chấn.
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp có thể xem xét đưa các dịch vụ tư vấn tâm lý vào gói phúc lợi dành cho nhân viên. Việc hợp tác với các đối tác, chuyên gia chuyên về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, bảo hiểm để có những buổi chia sẻ chuyên sâu cho nhân viên cũng là hoạt động nên được ưu tiên. Trên thực tế, đây là xu hướng đã được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới áp dụng từ trước khi đại dịch xảy ra và vẫn đang phát huy hiệu quả triệt để tới thời điểm hiện tại.
Dịch vụ tư vấn và trị liệu tâm lý là một trong những loại hình phúc lợi mới các doanh nghiệp nên xem xét áp dụng.
Johnson&Johnson là một trong những doanh nghiệp thế giới đã thành công áp dụng “gói phúc lợi nụ cười”, bằng các chính sách: tích cực khuyến khích nhân viên nghỉ ngơi đúng giờ, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, mời chuyên gia hướng dẫn thiền cho nhân viên... Đây là một số cách đơn giản mà doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tùy nghi áp dụng dựa trên điều kiện thực tế để giúp nhân viên “vui vẻ không quạu”.
“Tài trợ” góc làm việc tại gia – an cư thì mới lạc nghiệp
Theo Forbes, sau đại dịch, khảo sát tại Mỹ cho thấy 80% người lao động mong muốn được làm từ xa 3 ngày một tuần và 92% muốn tiếp tục làm việc tại nhà mỗi tuần một ngày. Có vẻ như sau một thời gian dài làm việc tại nhà, nhiều nhân viên đã “nhập gia tuỳ tục”, thích nghi với phong cách làm việc mới và không muốn trở lại văn phòng.
Xu hướng mới này tạo tiền đề cho doanh nghiệp phát triển các gói phúc lợi khi làm việc tại nhà. Tại Mỹ, hai “đại gia” công nghệ Shopify và Twitter tặng mỗi nhân viên “mới nhập gia” 1.000 USD cho việc trang bị không gian làm việc tại nhà(1). Động thái này không chỉ ghi điểm trong mắt đội ngũ lao động mà còn thu hút nhiều ứng viên mới.
Tại Việt Nam, theo khảo sát Chính sách nhân sự giai đoạn Covid-19 lần thứ 3 của Talentnet, nhiều doanh nghiệp cũng manh nha áp dụng các phúc lợi “tại gia” trong làn sóng dịch thứ 3, với 34% công ty chi trả trợ cấp Internet hoặc điện thoại cho nhân viên làm việc tại nhà.
“Xây” cầu nối giữa người lao động
Trong đại dịch Covid-19, “xa mặt cách lòng” có thể là mối đe dọa thực sự cho tình đồng nghiệp. Theo chuyên trang nhân sự Smarp, “khó khăn trong giao tiếp” nằm trong top 3 lý do khiến nhân viên không chuộng làm việc tại nhà(2). Khảo sát của Gallup cũng cảnh báo, tình trạng giãn cách khiến 74% nhân viên gặp khó khăn để nắm bắt đầy đủ những thông tin quan trọng.
Hiểu được rào cản này, một công ty viễn thông tại Đức - Deutsche Telekom đã có sáng kiến “phá rào”: yêu cầu cấp quản lý đăng tải lên ứng dụng nội bộ một video hướng dẫn nhân viên các đầu việc quan trọng cần làm trong ngày. Việc này đã tỏ ra hiệu quả khi cải thiện rõ rệt quy trình làm việc cũng như khiến nhân viên cảm thấy kết nối hơn.
“Đường trở lại” văn phòng vẫn còn xa, nhưng “đường vào tim” nhau chỉ cách một “nút call”
Tại Việt Nam, giữa bối cảnh “đường trở lại” văn phòng vẫn còn xa xôi, các doanh nghiệp nên thắt chặt tương tác bằng ứng dụng/mạng nội bộ hoặc các nền tảng video call phổ biến như Zoom/Skype. Một số hoạt động sẽ được nhân viên nhiệt liệt hoan nghênh mà HR có thể cân nhắc là tổ chức liên hoan “ảo” nhưng kết nối “thật”, rút thăm may mắn, chia đội nhóm tham gia các hoạt động gắn kết.
Tóm lại, trước hiện thực mới, bên cạnh những mối lo sức khoẻ, nhân viên cũng nảy sinh những nhu cầu về tâm lý, kết nối và không gian làm việc trong quá trình “work from home”. Do đó, việc chú trọng triển khai những loại hình phúc lợi mới này có thể “gãi đúng chỗ ngứa”, giúp nhân viên vững tâm bền chí, cùng doanh nghiệp đồng lòng vượt qua đợt dịch nặng nề nhất từ trước đến nay.