#HRTrending - Ưu Thế Của Mô Hình Quản Trị Vòng Tròn
Mô hình quản trị nhân sự vòng tròn đang được các doanh nghiệp lớn như Google, Haier, Tesla, Whole Foods… sử dụng. McKinsey & Company – công ty tư vấn quản lý toàn cầu cho biết, thay vì phân công theo từng phòng ban như mô hình tam giác, mô hình vòng tròn cho phép lãnh đạo “bày binh bố trận” nhân sự vào từng dự án phù hợp với năng lực, kỹ năng của mỗi cá nhân.
Phân biệt mô hình quản trị hình tròn với mô hình tam giác truyền thống. Nguồn: McKinsey&Company
Mô hình vòng tròn đòi hỏi nhân viên phải nhanh chóng gọt giũa bản thân để thích nghi.
Mô hình quản trị nhân sự vòng tròn đang được các doanh nghiệp lớn như Google, Haier, Tesla, Whole Foods… sử dụng. McKinsey & Company – công ty tư vấn quản lý toàn cầu cho biết, thay vì phân công theo từng phòng ban như mô hình tam giác, mô hình vòng tròn cho phép lãnh đạo “bày binh bố trận” nhân sự vào từng dự án phù hợp với năng lực, kỹ năng của mỗi cá nhân. Cách thức này biến doanh nghiệp thành một vòng tròn lớn, với mỗi dự án là một vòng tròn nhỏ bên trong.
Nhóm 50 chuyên gia toàn cầu McKinsey Agile Tribe cho biết, mô hình tam giác biến người lao động làm việc như cỗ máy đã từng mang lại thành công cho nhiều tập đoàn lớn. Song, trong môi trường biến đổi như hiện nay, có rất ít doanh nghiệp có thể tiếp tục tăng trưởng với mô hình cũ.
Bà Nguyễn Thị An Hà, Giám đốc Hợp tác chiến lược Công ty Tư vấn nhân sự Talentnet cho biết, trong số những mô hình quản trị nhân sự được các tập đoàn lớn áp dụng, mô hình vòng tròn phát huy ưu thế tốt hơn nhờ phù hợp với tâm lý muốn trải nghiệm đa dạng của thế hệ lao động mới, đặc biệt là GenZ. Đồng thời, mô hình này giúp tối ưu nguồn lực lẫn năng suất lao động, tăng khả năng thích ứng của nhân sự và cả công ty trước biến động khó lường.”
Bà An Hà cho rằng, trong tương lai, mô hình vòng tròn sẽ dần thay thế mô hình tam giác. Để sẵn sàng cho cú chuyển dịch này, người lao động phải sớm học cách thích ứng bằng cách tự nâng cấp “combo” 2 kỹ năng sau.
Nâng cấp thành nhân viên "hệ đa nhiệm"
Mô hình vòng tròn đòi hỏi nhân sự phải thực sự năng động để thích ứng nhanh chóng với những thách thức, cơ hội mới. Ví dụ, người làm truyền thông mảng báo chí có thể được điều phối tham gia các dự án tiếp thị trên mạng xã hội, chuyên viên phòng marketing được cử “chi viện” cho phòng sales, thành viên của nhóm này nhưng có thể đóng vai trò quản lý dự án ở nhóm khác.
McKinsey Agile Tribe cũng ước tính, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn từ việc đào tạo nhân viên trở nên đa nhiệm. Một tập đoàn điện tử toàn cầu đã gặt hái lợi nhuận 250 triệu USD và giá cổ phiếu tăng 20% trong 3 năm nhờ áp dụng mô hình nhân sự vòng tròn. Trong khi đó, có ngân hàng đã giảm 30% chi phí, nhờ cải thiện đáng kể năng lực thích ứng nhanh của nhân viên. Do đó, các doanh nghiệp ngày càng ưu tiên sử dụng nhân viên đa nhiệm trong công việc, nếu người lao động không biết cách nương theo thì sẽ dễ bị mất phương hướng, gia tăng căng thẳng, mất cân bằng trong công việc, cuộc sống.
Tranh thủ mùa giãn cách để tự nâng cấp chính mình là chiến lược sáng suốt của người lao động để nhanh chóng theo cơn lốc dịch chuyển cấu trúc nhân sự mới. Nguồn: Shutterstock
Để nâng cấp người lao động thành người chơi “hệ đa nhiệm”, doanh nghiệp cần tổ chức các chương trình đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ, quản lý dự án, quản lý thời gian, ứng dụng công nghệ vào công việc. Song song, bản thân nhân viên cần củng cố kiến thức chuyên môn để không bị “mất gốc” khi liên tục được điều phối sang bộ phận mới.
Để tránh lúng túng khi kiêm nhiệm nhiều chức vụ, người lao động cần chủ động luyện tập tư duy tổng quát bằng cách liên tục cập nhật thông tin thời sự xã hội, học hỏi kỹ năng, kiến thức của những mảng khác chuyên môn vốn có. Như vậy, khi doanh nghiệp trao cơ hội luân chuyển giữa các phòng ban, nhân viên có thể nhanh chóng nắm bắt, không bị tụt lại phía sau.
Người chơi “hệ cô đơn” chuyển sang “hệ cộng đồng”
Theo Salesforces, 86% dự án thất bại đến từ nguyên nhân làm việc nhóm kém và giao tiếp thiếu hiệu quả. Khi chuyển đổi sang mô hình vòng tròn cởi mở, làm việc nhóm theo dự án là không thể tránh khỏi. Do đó, dù muốn hay không, mỗi cá nhân cũng sẽ được “chuyển hệ”, từ “cô đơn” sang “cộng đồng”. Thay vì để bản thân bị đặt vào thế đã rồi và xoay sở chật vật với tình thế mới, chủ động nâng cấp chính mình là đối sách thông tuệ.
Để gỡ thế bí, người lao động được khuyến khích bày tỏ ý kiến nhiều hơn, chủ động chia sẻ khó khăn để nhận sự giúp đỡ của đồng nghiệp và ngược lại. Đồng thời, chịu khó gạt bỏ cái tôi bảo thủ để học cách lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến đa chiều. Việc xung phong làm nhiệm vụ khó để chiếm được lòng tin của đồng đội… cũng là một số gợi ý. Khi luân chuyển nhiều nhóm dự án, hãy học cách chấp nhận, thích ứng với nhiều phong cách lãnh đạo khác nhau, tránh “sốc tâm lý” khi phải làm việc với nhiều sếp cùng lúc.
Bên cạnh đó, làm việc nhóm càng trở nên quan trọng hơn khi hiện tại người lao động phải làm việc từ xa. Thắt chặt mối quan hệ đồng nghiệp để phối hợp ăn ý chính là điều không thể thiếu giúp "vòng tròn” có thể lăn xa. Do đó, ngay cả khi làm việc tại nhà, bạn đừng quên trau dồi kỹ năng làm việc nhóm bằng cách nâng cao khả năng trao đổi công việc với đồng nghiệp qua các ứng dụng giao tiếp hay cuộc gọi video, tham gia các hoạt động online của công ty.
Làm việc nhóm gần như trở thành kỹ năng sống còn của người lao động trong tương lai. Nguồn: Shutterstock
Người lao động cần hiểu rằng, dù tài năng nhưng không chịu thích nghi và cởi mở với tập thể, cơ hội vẫn sẽ đóng lại. Zappos, nhà bán lẻ giày trực tuyến về “dưới trướng” Amazon, thậm chí sẵn sàng đền bù 4.000 USD để sa thải những nhân viên không phù hợp với văn hóa công ty để đảm bảo một môi trường hợp tác không giới hạn.
Không ai có thể lường trước những biến hoá tiếp theo trong lĩnh vực nhân sự. Tuy nhiên, dù trong “thời bình” hay “thời covid”, người lao động đều cần đa dạng hóa kỹ năng và chuyên môn của bản thân để nâng cao khả năng cạnh tranh và phi tiến trong sự nghiệp.