Lãnh Đạo Táo Bạo: Hình Mẫu “Sếp” Năm 2022
Những thách thức chưa từng có đang tạo áp lực lên các lãnh đạo doanh nghiệp. Để vững vàng vượt qua giai đoạn này, chìa khóa nằm ở 02 chữ ‘táo bạo’.
“Trước những thay đổi bất ngờ trong bối cảnh hiện tại, một nhà lãnh đạo táo bạo với sự quyết đoán và thấu cảm sẽ dẫn dắt con thuyền doanh nghiệp an toàn tiến lên. Tuy nhiên, luôn có một lằn ranh giữa táo bạo và áp đặt mà người lãnh đạo cần khéo léo vượt qua”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Giám đốc công ty tư vấn nhân sự Talentnet.
Sếp táo bạo = Quyết đoán + Thấu cảm
Năm 2017, khảo sát với hơn 50.000 người đứng đầu giỏi nhất trên khắp thế giới của Công ty tư vấn phát triển lãnh đạo Zenger Folkman chỉ ra rằng, những người có khả năng lãnh đạo táo bạo cao thì hiệu quả và năng suất lãnh đạo của họ cũng rất cao. Một chân dung điển hình của một nhà lãnh đạo táo bạo là Steve Jobs. Những quyết định nhanh chóng, quyết liệt của ông được thể hiện rõ trong thời kỳ đen tối nhất của Apple khi giá cổ phiếu trượt không phanh.
Trong giai đoạn hiện tại, áp lực từ những thách thức chưa từng có tiền lệ, có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp, đòi hỏi nhà lãnh đạo phải nhạy bén và quyết đoán hơn. Phong thái lãnh đạo táo bạo cũng trở thành một trong những tố chất cần có của một người dẫn dắt công ty.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Giám đốc công ty tư vấn nhân sự Talentnet nhận định: “Đưa ra quyết định nhanh chóng, nhạy bén trước thời cuộc và sẵn sàng thay đổi, giải quyết triệt để vấn đề, định hướng đội ngũ nhân viên chính là những từ có thể mô tả về một người lãnh đạo táo bạo. Để có thể làm được điều đó, nhà lãnh đạo cần nuôi dưỡng sự thấu cảm và trui rèn tư duy suy xét. Thấu cảm để trở thành nguồn động lực thúc đẩy nhân viên vượt qua vùng an toàn, đồng thời là nơi an toàn để họ bày tỏ quan điểm. Trong khi đó, tư duy suy xét giúp các lãnh đạo tỉnh táo đánh giá mọi khả năng có thể diễn ra và đưa ra lựa chọn phù hợp. Đưa ra quyết định giống như chơi một canh bạc, nếu phân vân giữa những lựa chọn, chắc chắn thành công không nằm trong tay mình.”
Thấu cảm: “Dây an toàn” cho lãnh đạo táo bạo
Tuy nhiên, một nhà lãnh đạo táo bạo không có nghĩa là người đó sẽ tự mình quyết định và bắt buộc nhân viên phải thực hiện theo. Đây cũng là “lằn ranh” mỏng manh mà người lãnh đạo phải nhìn rõ giữa “táo bạo” và “áp đặt”. Hai khái niệm này có những đặc trưng riêng biệt trong giao tiếp và ứng xử của sếp đối với nhân viên. Trong khi sếp áp đặt sẽ tạo áp lực lên đội ngũ lao động, nhà lãnh đạo táo bạo lại trở thành “trạm sạc” động lực, động viên và truyền cảm hứng cho nhân viên để hoàn thành mục tiêu. Ngoài ra, nhà lãnh đạo táo bạo cũng thường ưu tiên để nhân viên được tự do sáng tạo, miễn là phù hợp với đặc thù dự án, bởi họ tin rằng sự tôn trọng chính là cách duy nhất để công nhận những cống hiến của nhân viên.
Bên cạnh đó, để có thể áp dụng phong thái này vào trong quản lý, theo bà Thanh Hương, sự thấu cảm là điều kiện tiên quyết. Điều đó được thể hiện qua cách thấu hiểu, khích lệ tinh thần nhân viên. Bởi nếu các lãnh đạo vận hành doanh nghiệp theo ý thích, bỏ qua mong muốn của đội ngũ, nhân viên có thể vô tình cảm thấy bị áp đặt. Ngoài ra, những vị sếp mang phong thái lãnh đạo táo bạo cũng nên khích lệ nhân viên thông qua việc công khai khen thưởng; từ đó đội ngũ lao động dễ dàng mở lòng hơn để tiếp thu lượng kiến thức mà họ được hướng dẫn.
“Mỗi con tàu đều có một cách vận hành khác nhau, dĩ nhiên chúng ta không thể rập khuôn mang cách lãnh đạo từ nơi này sang nơi khác, mà cần thận trọng và tỉnh táo trong việc xây dựng phong cách phù hợp với môi trường đó. Có rất nhiều phong cách lãnh đạo khác nhau, nhưng tôi tin, bất kỳ vị sếp nào cũng cần sở hữu sự táo bạo và thấu cảm khi đối diện với thách thức và khó khăn. Đây là phương thức giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định tỉnh táo, xoay sở kịp thời trước những thay đổi quá nhanh của thời đại, đồng thời, xây dựng được một môi trường công sở cởi mở và công bằng cho nhân viên.” – bà Hương đúc kết quan điểm.
Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư