Skip to main content

Giỏ hàng (0 sản phẩm)

Không có sản phẩm trong giỏ hàng của bạn.

LÊN ĐẦU TRANG

Thiếu Hụt Nhân Sự – Bài Toán Hóc Búa Của Doanh Nghiệp Thủ Đô

Thị trường lao động tại Hà Nội đang cho thấy sự tăng tốc mạnh mẽ, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng tăng cao.

Thiếu Hụt Nhân Sự – Bài Toán Hóc Búa Của Doanh Nghiệp Thủ Đô
Hà Nội là một trong những thị trường đầu tư yêu thích của nhiều doanh nghiệp nước ngoài

Thị trường sôi động sau đại dịch

Với tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, môi trường hành chính – kinh doanh ổn định, Hà Nội là một trong những thị trường đầu tư yêu thích của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, thu hút đến 703 triệu USD vốn FDI trong 05 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, 05 tháng đầu năm 2022 cũng chứng kiến số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 11.500 doanh nghiệp. 

Bài toán nhân sự tại Hà Nội có hai vấn đề chính. Thứ nhất là việc thiếu hụt lao động phổ thông được đào tạo bài bản bởi sau thời gian tuyển dụng và đào tạo, nhóm lao động này thường có xu hướng tìm “bến đỗ” mới với mức lương và phúc lợi hấp dẫn hơn. Vấn đề thứ hai nằm ở mảng tuyển dụng lao động cấp cao, thử thách của các nhà quản trị nhân sự Hà Nội là việc phải cạnh tranh với “những người anh em” tại TP. Hồ Chí Minh. Với mức lương tối thiểu cao hơn toàn quốc đến 38% và những phúc lợi cấp tiến, TP. Hồ Chí Minh có mị lực khó cưỡng với đa số lao động cấp cao trên cả nước.  

“Gỡ rối” bài toán thiếu hụt nhân sự

Để giải quyết tình trạng này, các doanh nghiệp Hà Nội đang mở rộng tìm kiếm lao động tại các tỉnh thành lân cận. Tuy nhiên, việc tăng cường tuyển dụng trên diện rộng có thể dẫn đến một số bất cập như quy trình tuyển dụng mất nhiều thời gian, khó xác minh lý lịch ứng viên hay khác biệt văn hoá vùng miền dẫn đến hiệu suất làm việc kém,…

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng Giám đốc công ty tư vấn nhân sự Talentnet chia sẻ: “Với những nỗ lực của chính quyền thành phố và nguồn vốn FDI dồi dào, thị trường Hà Nội khởi sắc là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để giải bài toán thiếu hụt nhân tài một cách triệt để, doanh nghiệp Hà Nội cần có chiến lược bài bản để xây dựng chính sách nhân sự hấp dẫn, tạo lợi thế cạnh tranh để có thể thu hút nhân tài từ những thị trường sôi động khác. Các nhà quản trị nhân sự có thể bắt đầu bằng việc xem xét chiến lược nhân tài của mình, tập trung mang đến những phúc lợi và giá trị mà người lao động cần.

Thiếu Hụt Nhân Sự – Bài Toán Hóc Búa Của Doanh Nghiệp Thủ Đô
Hà Nội đang mở rộng tìm kiếm lao động tại các tỉnh thành lân cận để giải quyết bài toán nhân sự

Thanh Hương đã đưa ra 04 gợi ý để tránh tình trạng “chảy máu nhân sự” cho các doanh nghiệp Hà Nội một cách lâu dài và chiến lược hơn như sau:

Thích ứng với các ý niệm công việc kiểu mới: Các doanh nghiệp cấp tiến đang nỗ lực cải tiến và sáng tạo cách thức tổ chức công việc, bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, từ việc mỗi người làm một việc với kĩ năng chuyên biệt, thành kết hợp nhiều kĩ năng để làm nhiều việc hơn. Với tư duy  này, doanh nghiệp có thể thu hút những lao động cấp tiến, đồng thời mở rộng tệp ứng viên với kĩ năng đa dạng, phù hợp nhiều vị trí khác nhau.

Đầu tư và tập trung vào những gì tổ chức và nhân viên mong muốn: Tái thiết kế tổ chức và công việc linh hoạt hơn, đầu tư công nghệ mới, nâng cao sức khỏe toàn diện cho nhân viên, xây dựng văn hóa lãnh đạo lấy con người làm trung tâm. Điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Hà Nội, giúp thu hút và giữ chân nhân tài với tổ chức, giảm tình trạng “chảy máu nhân sự”.

Quyết liệt hơn để tinh gọn hơn: Chuyển đổi mô hình quản trị truyền thống theo cấp bậc thành mô hình đa nhiệm hơn theo hình tròn. Theo đó, mỗi nhân viên có thể đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau theo dự án. Các nhóm dự án cũng sẽ chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối, quản lý chỉ đưa ra định hướng, tạo điều kiện thực thi và sẵn sàng cho các rủi ro. 

Chuẩn bị cho những biến số bất ngờ: Bước qua đại dịch, và những thực tế vẫn còn khá mơ hồ với phần lớn mọi người như AI, Blockchain, biến đổi khí hậu…, không ai dám đảm bảo rằng sẽ có ít hơn những thay đổi, hiểm họa xảy đến. Việc chuẩn bị kịch bản ứng phó không chỉ giúp làm yên lòng người lao động, mà còn giúp doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch nhân lực vững vàng  hơn. 

Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư