Trả Lương Theo Yêu Cầu: Nhiều Phúc Lợi Cho Nhân Viên, Áp Lực Cho Doanh Nghiệp
Một trong những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tài chính đang được lãnh đạo lẫn người lao động quan tâm là trả lương theo yêu cầu.
Được nhìn nhận mang đến nhiều lợi ích, hình thức trả lương theo yêu cầu (on-demand pay) ngày càng được người lao động đánh giá cao bởi sự linh hoạt và tiện lợi của mô hình này. Tuy nhiên, để triển khai việc trả lương theo yêu cầu, doanh nghiệp cần vượt qua nhiều thách thức.
Người lao động yên tâm “vượt bão" tài chính
Theo Federal Reserve chỉ có 4 trên 10 người có thể chi trả khoản phí bất ngờ từ 1.000 USD. Covid-19 và những áp lực tài chính mà cơn đại dịch này mang lại đã nâng tầm quan trọng của sức khỏe tài chính đối với người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã và đang cân nhắc các chính sách và phúc lợi tại nơi làm việc, tập trung giải quyết vấn đề tài chính cho nhân viên và một trong những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tài chính đang được lãnh đạo lẫn người lao động quan tâm là trả lương theo yêu cầu (on-demand pay).
Nhận định về xu hướng trả lương theo yêu cầu, ông Jack Nguyễn - Phó Tổng Giám đốc của Talentnet nhận định: “Mô hình trả lương theo yêu cầu đang là xu thế tất yếu khi người lao động quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tài chính.Tại Việt Nam, 2 năm đại dịch cũng tạo nên các đứt gãy trong tài chính khi nguồn thu nhập bấp bênh, nhưng người lao động phải giải quyết nhiều chi phí phát sinh cho sức khoẻ, đầu tư thiết bị làm việc tại nhà. Bên cạnh đó, tỉ lệ nợ xấu vay tiêu dùng tăng cao cũng tạo áp lực lên người lao động và đòi hỏi doanh nghiệp có cách chi trả lương mới để hỗ trợ. Tuy nhiên, trả lương theo yêu cầu cũng sẽ tạo thêm gánh nặng lên vai doanh nghiệp nếu không có sự chuẩn bị chu đáo. Dòng tiền bị ảnh hưởng, áp lực lên cơ chế vận hành của HR là những điều cần phải giải quyết".
Ba bước “giảm sốc" cho HR khi áp dụng trả lương theo yêu cầu
Theo ông Jack Nguyễn, hiện tại quy trình trả lương tại Việt Nam vẫn đang vận hành theo cách truyền thống. “Quy trình trả lương truyền thống vốn đã gây áp lực không nhỏ đến bộ phận nhân sự, kế toán. Nếu muốn áp dụng mô hình mới như trả lương theo yêu cầu, doanh nghiệp cũng dễ rơi vào tình thế “khó chồng khó". Để gỡ rối cho doanh nghiệp, tăng phúc lợi cho người lao động, lãnh đạo nên chuẩn bị các bước “giảm sốc" cần thiết trước khi triển khai mô hình tính lương theo yêu cầu”.
Ông Jack chia sẻ, có thể tham khảo 3 bước “giảm sốc" cho doanh nghiệp khi áp dụng trả lương theo yêu cầu:
Xác định nhu cầu: Phòng nhân sự có thể xem xét các vấn đề như giới hạn số tiền lương mà nhân viên có thể được yêu cầu nhận trước. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ khả năng tài chính để có thể duy trì việc trả lương theo yêu cầu, có thể linh hoạt áp dụng hình thức ứng lương khi người lao động có lý do chính đáng.
Cung cấp công cụ: Nhu cầu lương thưởng và phúc lợi liên tục được cập nhật dễ khiến HR đau đầu trong quá trình điều chỉnh. Vì vậy, để một mô hình tính lương mới như trả lương theo yêu cầu được phổ cập rộng rãi, doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ để xây dựng quy trình tính lương mới, nhanh chóng và rõ ràng, minh bạch. Hiện tại, cũng đã có nhiều nhà cung cấp ứng dụng tính lương bằng các thuật toán chính xác, góp phần giảm tải khối lượng công việc lên bộ phận Nhân sự, Tài chính.
Mượn nguồn trợ lực: Nguồn trợ lực từ dịch vụ thuê ngoài tính lương sẽ giúp tiết kiệm thời gian và sức lực, giảm tải lượng công việc, cũng như hạn chế sai sót dây chuyền của việc tính lương nội bộ. Bộ phận thuê ngoài tính lương sẽ hệ thống hoá việc tạm ứng lương của nhân sự, nguồn tiền đã sử dụng… để HR dễ dàng trích xuất dữ liệu. Bên cạnh đó, trong quá trình hệ thống hoá bảng lương, bộ phận thuê ngoài tính lương cũng có thể tư vấn cho doanh nghiệp cách áp dụng, quản lý dòng tiền một cách hợp lý.
“Nhưng hơn hết, doanh nghiệp cần xác định mô hình lương thưởng thay đổi phải dựa trên việc cung cấp sự an tâm tài chính cho người lao động. Và các công cụ chăm sóc sức khỏe tài chính như trả lương theo yêu cầu, chính sách lương, thưởng… là cách để doanh nghiệp khẳng định sự quan tâm với nhân viên, tài sản quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp" – ông Jack chia sẻ.
Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư