Trào Lưu Quay Review Công Ty: Nhân Sự Nhận Triệu View, Công Ty Tăng Lượt Thích
Với trào lưu quay video tiết lộ từ không gian làm việc tại công ty đến đặc trưng nghề nghiệp, Gen Z đã vô tình thổi bùng sự cạnh tranh xây dựng thương hiệu tuyển dụng (employer branding) nhằm tiếp cận nguồn nhân lực trẻ.
Trăm bài giới thiệu, không bằng một clip review
Theo thống kê từ PwC Việt Nam, dự đoán đến năm 2025, thế hệ Gen Z sẽ chiếm tỉ lệ lên đến 1/3 trong bức tranh nhân sự của thị trường lao động Việt Nam. Để chinh phục nguồn nhân sự trẻ trung này, nhiều doanh nghiệp cũng dần "trẻ hoá". Dễ nhận thấy nhất chính là việc doanh nghiệp năng nổ "bắt trend" hay hình tượng nghiêm túc của các CEO cũng dần được thay thế bằng những hình ảnh trẻ trung hơn.
Khi doanh nghiệp dần "mở cửa" cho câu chuyện hoà nhập theo xu hướng, thì nhân sự Gen Z cũng được đà tạo thêm các xu hướng mới, lấy cảm hứng từ đời sống văn phòng. Giờ đây, thay vì các bài báo giới thiệu công ty, thông tin tuyển dụng thông thường, nhiều ông lớn đã mở rộng sân chơi, tích cực xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Những cái tên như Amazon, Mountain Dew, NBC Saturday Night Live, The Takeaway... hoạt động "năng nổ" trên TikTok, nền tảng mà theo khảo sát của Time Universal, có đến 55% Gen Z tốn trung bình 80 phút mỗi ngày để "lướt".
"Một trong những cách hiệu quả nhất để tăng tính cạnh tranh của thương hiệu tuyển dụng, là để các đối tượng tiềm năng được cảm nhận trực tiếp về môi trường làm việc thông qua chính các nhân sự đang làm việc trực tiếp. Xu hướng quay video review công ty không chỉ thu hút lượt quan tâm lớn trên mạng xã hội mà còn giúp gia tăng lòng tin và tạo thiện cảm cho doanh nghiệp, tăng khả năng thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ" - Bà Nguyễn Thị An Hà - Giám đốc Marketing và Hợp tác chiến lược công ty cổ phần Kết nối nhân tài Talentnet nhận định về "sân chơi" đầy tiềm năng này.
Các hoạt động tương tác trên các nền tảng mới là hướng đi thông minh giúp xây dựng thương hiệu tuyển dụng, tạo nên sự kết nối với nhân sự trẻ, đồng thời khai thác sức ảnh hưởng của họ trên mạng xã hội và gia tăng khả năng tiếp cận nguồn nhân lực tiềm năng. Theo bà An Hà, nhà lãnh đạo có thể cân nhắc 2 định hướng "vẽ đường" để mỗi nhân sự đều trở thành một người truyền thông cho văn hoá công ty.
"Nới biên" cho nhân sự thoải mái chia sẻ
Mỗi doanh nghiệp đều có các yêu cầu và quy định riêng về việc truyền thông thương hiệu tuyển dụng của mình. Tuy vậy, thay vì kiểm soát các hoạt động trên mạng xã hội, công ty có thể "nới biên" cho nhân viên tự do hơn trong việc thể hiện tâm tư, góc nhìn của mình. Điều này cũng giúp doanh nghiệp đến gần hơn với đối tượng lao động của mình, xây dựng hình ảnh công ty thân thiện, gần gũi. Bên cạnh đó, nhân sự cũng tạo nên sự gắn kết, tăng niềm tự hào của mình với nơi làm việc.
Đầu tư có chiến lược, biến trào lưu thành vũ khí
Theo báo cáo của LinkedIn năm 2021, điều Gen Z đang hướng đến là một môi trường làm việc năng động, để họ có thể học tập điều mới và hoàn thiện kỹ năng của mình. Vì vậy, ngoài việc mở đường cho trào lưu phát triển trong công ty, doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược thu hút nhân tài bền vững bằng các chế độ phúc lợi, định hướng phát triển rõ ràng, phù hợp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hoá doanh nghiệp là nơi mà mọi nỗ lực của nhân sự được công nhận. Với chiến lược nhân sự bền vững, thì các trào lưu như review công ty là sự cộng hưởng tuyệt vời để lan toả hình ảnh doanh nghiệp.
Trên hết, những nỗ lực hoà nhập từ doanh nghiệp từ sự lắng nghe - tạo điều kiện học tập, nhằm nắm bắt được "insight" của nhân sự trẻ sẽ là điều cốt lõi để "chạm" đến trái tim họ, khiến họ chủ động "cầm điện thoại lên và review" về nơi làm việc khiến họ tự hào.
Nguồn: Kênh 14